Hội tụ nhiều lợi thế cho phát triển nền kinh tế đa dạng, Thạnh Phú xác định trong tương lai phải đi lên từ kinh tế biển, gắn với xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch và du lịch.
Sở hữu chiều dài bờ biển trên 26km, hệ thống sông ngòi dày đặc, Thạnh Phú có khu bảo tồn thiên nhiên và hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng phòng hộ với diện tích 2.780 ha, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển.

Hạ tầng du lịch từng bước được chú trọng, các loại hình du lịch được hình thành và phát triển như: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, homestay. Lượng khách du lịch trung bình hàng năm trên 500 ngàn lượt người, tăng bình quân từ 25 – 35%/năm.
Huyện xác định mục tiêu trong thời gian tới là tập trung đột phá trong huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể, huyện chú trọng nuôi, khai thác và chế biến thủy sản dịch chuyển từ truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, theo hướng bền vững.
Lĩnh vực công nghiệp, năng lượng tái tạo, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp. Thạnh Phú cũng đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp, đô thị ven biển.
Thực hiện chính sách, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển. Huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế biển. Huyện mời gọi sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng vùng biển, ứng dụng khoa học công nghệ vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.